LY HÔN KHI VỢ HOẶC CHỒNG ĐANG Ở NƯỚC NGOÀI KHÔNG RÕ ĐỊA CHỈ
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi
những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo
dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Ly hôn được công nhận theo bản án hoặc
quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Có ly hôn được với người đang ở nước
ngoài không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc hiểu rõ hơn
quy định pháp luật đối với vấn đề trên và thủ tục ly hôn khi một bên ở nước
ngoài.
Trường hợp ly hôn khi một bên ở nước ngoài
Theo Quy định tài Điều 51 Luật Hôn
nhân và Gia đình 2014, vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án
giải quyết ly hôn. Như vậy, vợ/chồng hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa
án giải quyết ly hôn hoặc cùng có yêu cầu giải quyết thuận tình ly hôn.
Việc đơn phương ly hôn được Tòa án
giải quyết nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi
phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình
trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không
đạt được.
Trường hợp một bên ở Việt Nam và một
bên định cư hoặc cư trú ở nước ngoài, tùy vào từng trường hợp
cụ thể để được xem xét giải quyết ly hôn theo tinh thần của Điều 2 Mục II Nghị
quyết 01/2003/NQ-HĐTP.
Trong trường hợp công dân Việt Nam ở
trong nước khởi kiện ly hôn hoặc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn với công
dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài, giải quyết ly hôn theo Điều 2.1 Mục II Nghị
quyết 01/2003/NQ-HĐTP như sau:
- Đối với những trường hợp uỷ thác tư pháp không
có kết quả, Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn gửi cho họ lời khai của
nguyên đơn và báo cho họ gửi những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc
giải quyết vụ án. Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để
xét xử theo thủ tục chung.
- Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không
có tin tức gì về họ, Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ
án, nguyên đơn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện tuyên bố bị đơn
mất tích hoặc đã chết.
Tại Công văn số 253/TANDTC-PC của
Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trường hợp trên mà nguyên đơn chỉ cung cấp được
địa chỉ cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn, nếu có căn cứ xác định bị đơn vẫn
có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa
chỉ, tin tức của bị đơn, cũng như không thông báo cho bị đơn biết để gửi lời
khai thì:
- Coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa
chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.
- Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo
thủ tục chung nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ
cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn, cũng như không chịu
thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai.
- Sau khi xét xử, Tòa án gửi ngay cho thân nhân của
bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến
hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã
nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự
có thể kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
Đối với trường hợp người Việt Nam ở
nước ngoài kết hôn với người nước ngoài mà việc kết hôn đó được công
nhận tại Việt Nam, việc giải quyết ly hôn người Việt Nam về nước và người nước,
theo quy định tại Điều 2.3 Mục II Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP, như sau:
- Trong trường hợp người nước ngoài đang ở nước
ngoài khởi kiện ly hôn hoặc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn người Việt
Nam mà người Việt Nam còn quốc tịch Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam,
thì Toà án thụ lý giải quyết.
- Trong trường hợp người Việt Nam không còn quốc
tịch Việt Nam mà vẫn đang cư trú tại Việt Nam thì Toà án không thụ lý giải
quyết vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Đối với trường hợp công dân Việt
Nam ở trong nước khởi kiện ly hôn hoặc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn với
người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài quy định tai Điều 2.4 Mục II Nghị quyết
01/2003/NQ-HĐTP, giải quyết như sau:
- Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài,
nhưng người nước ngoài đã về nước không còn liên hệ với công dân Việt Nam,
công dân Việt Nam khởi kiện ly hôn hoặc yêu cầu công nhận thuận tình ly
hôn, thì Toà án thụ lý giải quyết.
- Nếu người nước ngoài bỏ về nước, không thực hiện
nghĩa vụ vợ chồng theo quy định, thời gian không có tin tức cho vợ hoặc chồng
từ một năm trở lên, sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của họ, nhưng
cũng không biết tin tức, địa chỉ của họ, thì được coi là trường hợp bị đơn
cố tình giấu địa chỉ và xử cho ly hôn.
Thủ tục yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn có yếu tố nước
ngoài
Hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài
Trường hợp thuận tình ly hôn gồm có các giấy tờ sau đây:
- Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn (theo mẫu của từng
Tòa);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Sổ hộ khẩu, CMND (bản sao);
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con)
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản
chung (nếu có).
Trường hợp đơn phương ly hôn gồm có:
- Đơn khởi kiện ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công
nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án);
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao
có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu mất bản
chính.
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu bản
sao có chứng thực;
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con);
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền
sở hữu tài sản liên quan;
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở
nước ngoài (nếu có).
Trình tự thủ tục ly hôn
Bước 1: Người khởi kiện ly hôn/yêu
cầu công nhận thuận tình ly hôn viết đơn khởi kiện ly hôn/Đơn yêu cầu công nhận
thuận tình ly hôn và gửi bộ hồ sơ tới Tòa án có thẩm quyền giải quyết, bao gồm:
Theo khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ
luật Tố tụng dân sự 2015 Tòa án nhân dân cấp tỉnh là nơi có thẩm quyền giải quyết.
Nếu việc ly hôn diễn ra với công dân
Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cư trú ở khu vực
biên giới với Việt Nam, thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện, Theo
khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 2: Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu
hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí trong thời hạn
7-15 ngày.
Bước 3: Tiến hành nộp tiền tạm ứng
án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng
án phí cho Tòa án
Bước 4: Tòa án tiến hành giải quyết
vụ án theo thủ tục giải quyết vụ việc tố tụng dân sự.
Trên đây là toàn bộ bài tư vấn về ly hôn có yếu tố nước ngoài và thủ tục ly hôn khi một bên ở nước ngoài.
Để được tư vấn, giải đáp thắc mắc Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới để được tư vấn cụ thể.
Trân trọng.!
————————————————————————————
LUẬT NHẬT HÀ
Hotline: 0967164636 - 0945603196
Website: http://luatnhatha.com/
Email: luatnhatha@gmail.com